160 tấn tôm đầu tiên sang các thị trường cao cấp
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), đây là lô hàng đầu tiên mở màn năm mới của nhóm ngành thủy sản, do Bộ NNPTNT tổ chức xuất khẩu sang hàng loạt thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản...
"Với 8 contaner hàng, mỗi container chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Khu Công Nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chế biến sẽ mở đầu cho thủy sản xuất khẩu đi các nước" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Chủ trì lễ xuất khẩu tôm đầu tiên ra nước ngoài, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là một số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và gần đây nhất là RCEP.
“Bất chất dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành tôm vẫn là ngành mang lại giá trị kinh tế cao. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so với 2020, đạt 4,4 tỉ USD” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), để đạt được kim ngạch nêu trên, trong bối cảnh hiện nay thị trường có rất nhiều biến động, thử thách, bởi kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường thể hiện ở việc cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt;
“Thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Việc các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19 phần nào đã tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại là những nút thắt Việt Nam cần phải vượt qua để đạt được con số tăng trưởng như kỳ vọng“ – TS Nguyễn Quốc Toản nói.
Dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2021
Nhật Bản: Tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.
Mỹ: Trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ.
EU: sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ EVFTA và năm 2021 EU sẽ trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỉ USD của Việt Nam.
Trung Quốc: Chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Nauy là thị trường tiềm năng cho mặt hàng tôm và cá ngừ trong thời gian tới.
Một số thị trường vẫn có đà tăng trưởng tốt như: Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thuỵ Sỹ, Chilê, Papua New Guinea, Nam Phi, Pakistan, Kuwait.