Phập
phồng
qua
từng
vụ
nuôi
Những ngày qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng luôn lo lắng vì giá tôm thẻ rớt sâu nhất từ khi đối tượng nuôi này xuất hiện tại Cà Mau. Có lúc tôm kích cỡ 100 con/kg (ao đất), thương lái thu mua tại chỗ chỉ 68.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Sự lo lắng cho vụ nuôi thua lỗ đang hiện ra trước mắt với cả người kéo dài vụ nuôi chờ giá tăng trở lại. Bởi vào giai đoạn cuối vụ, môi trường ao nuôi càng ô nhiễm nghiêm trọng, vừa tốn chi phí thức ăn, vừa rủi ro cao...
Khắc khoải chờ giá tăng
Những cánh quạt đảo nước đặc sệt cuồn cuộn, báo hiệu môi trường ao nuôi của anh Võ Trường Giang, ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước đang đến hồi quá tải. Với tình trạng ấy, khó có thể đoán trước vụ nuôi này của anh Giang thành công hay không khi giá tôm đang chạm đáy và với tình trạng môi trường nuôi như thế, anh khó có thể kéo dài vụ để chờ giá tôm tăng trở lại.
Anh Giang cho hay: “Mấy ngày qua, ngày nào cũng thay nước nhưng nước vẫn đục, tôm ăn yếu do môi trường ao nuôi không còn thuận lợi như lúc mới thả nữa. Với giá tôm này, nông dân chúng tôi nuôi rất “chua”, từ lỗ đến lỗ. Tôm đã 90 ngày rồi, bây giờ nuôi cầm cự được ngày nào hay ngày ấy”.
Năng suất tôm nuôi đạt cao nhưng giá thấp nên người nuôi tôm không có lãi.
Với 5 ao nuôi tôm thẻ, bị thiệt hại hết 3 ao, còn lại 2 ao hiện nay đã trên 80 ngày tuổi, tất cả niềm hy vọng của gia đình đều đặt cược hết vào vụ này. Nhưng tình cảnh giá tôm như thế thì ước mơ, niềm hy vọng đó không thể trở thành hiện thực.
Ông Trương Hùng Dũng, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, phân trần: “Nuôi ao đất thành công đối với nông dân chúng tôi thật lòng rất khó khăn. Nhưng khi thành công thì lại thua về giá. Nếu lên tôm bây giờ thì tôi lỗ trên 100 triệu đồng nên đành chờ giá tăng, kéo dài ngày nào hay ngày ấy. Trông giá tôm tăng trở lại để vụ tôm này bớt lỗ, rồi tìm cách nuôi vụ khác”.
Không có quyền tự quyết
Những hộ có bề dày kinh nghiệm trên 10 năm nuôi tôm thâm canh, là đầu tàu trong phát triển, xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng không có quyền tự quyết thành quả của chính mồ hôi, công sức mình tạo ra.
Giọng nói bạn nuôi tôm vang ra từ chiếc điện thoại của ông Trương Hùng Dũng: “Khí độc lên cao quá, gan xám tro hết rồi, xử lý nhiều cách nhưng vẫn chưa hết, anh Dũng có cách nào không?”. Ông Dũng đã hướng dẫn cách mà những ngày trước ông đã trị khỏi cho 2 ao tôm của mình, nên giờ không còn cách nào mới để mách cho bạn nuôi.
Bỏ điện thoại xuống, ông Dũng lắc đầu, suy tư: “Nuôi tôm riết tóc bạt hết do suy nghĩ, thức đêm trực và lo sợ muôn bề. Kéo tôm bán xong, cầm tiền trên tay nhưng vẫn còn phải lo nhiều thứ... Giá tôm thấp đã đành mà còn bị thương lái ép đủ kiểu, trong khi họ không hề bỏ ra một đồng vốn hay công sức”.
Giá điện tăng theo định mức; giá thức ăn, thuốc, hoá chất xử lý môi trường ao nuôi thì các đại lý thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản định giá và bán cho người nuôi tôm. Người nuôi tôm bị động trong vấn đề giá cả đầu vào và đầu ra. Có thành công hay thất bại, lỗ ít hay lỗ nhiều thì người dân cũng phải thanh toán đầy đủ tiền điện, tiền vật tư đầu vào cho đại lý trước khi thực hiện vụ nuôi mới.
Ông Nguyễn Minh Luân, ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, cho biết: “Bây giờ đại lý không cho nợ chồng vụ mà phải thanh toán hết sau khi kết thúc vụ nuôi, dù lỗ hay lãi. Do mua chịu nên giá thức ăn, thuốc rất cao. Đại lý đưa ra giá thế nào thì nông dân nuôi tôm cũng phải mua để nuôi. Không cách nào khác, mặc dù biết mua tiền mặt giá rẻ hơn nhưng nông dân không còn vốn, đành chịu”.
Khi nhiễm dịch bệnh, vụ nuôi không thành công, người dân vẫn kiên trì cải tạo, tìm nhiều cách để tái tạo vụ nuôi. Bởi ngoài việc bám trụ mô hình này, đối tượng nuôi này thì không còn cách nào khác để trả nợ, nuôi sống gia đình và ước mơ có cuộc sống khấm khá hơn... Nhưng nghịch lý trúng mùa rớt giá cứ thế tiếp tục xảy ra. Đó cũng là vấn đề cấp bách mà các ngành chức năng cần tìm giải pháp để con tôm phát triển bền vững.
Trong hoàn cảnh hiện nay, để vụ nuôi hiệu quả, hạn chế thấp nhất thua lỗ thì giải pháp tổng hợp trong quản lý môi trường ao nuôi như: sử dụng các loại thuốc, vi sinh với giá hợp lý, chất lượng; cho ăn cầm chừng, sang mật độ thưa.... để kéo dài thời gian nuôi chờ giá tăng trở lại là rất cần thiết.
Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cái Nước Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, người dân trong huyện thả nuôi trên 30 ha tôm thẻ chân trắng, đến thời điểm này còn trên dưới 20 ha. Nhiều hộ rất dè chừng nuôi vụ mới, những hộ trót thả rồi thì nuôi cầm chừng, giảm cho ăn chờ giá. Nhiều hộ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nên thu non và lỗ rất nặng.